Bệnh vô tâm của “gà công nghiệp”
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ con ngày nay ích kỷ, chỉ thích sống hưởng thụ. Quan niệm trên tuy chưa hoàn toàn đúng nhưng cho thấy xu hướng ít quan tâm đến người khác ở một số trẻ hiện nay. Vậy cha mẹ phải làm gì để con mình bớt vô tâm?
Hai ví dụ buồn
Đã nhiều lần, chị Bắc hàng xóm than phiền con chị ích kỷ, sống chỉ
biết mình. Qua những chuyện chị Bắc kể về hai đứa con của mình, có thể
nhận thấy các cháu có lối sống hưởng thụ, hay đòi bố mẹ tiền để mua
những thứ chúng thích. Trước đây, chị thường chuẩn bị đồ ăn sáng cho con
ở nhà nhưng các cháu cứ đòi mẹ cho tiền để ăn tại trường với lý do “bạn
con đứa nào cũng ăn sáng ở lớp”. Mặc dù chị rất sợ ăn ở ngoài không đảm
bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và học tập của con nhưng chị đành
bó tay khi con “biểu tình” không ăn sáng ở nhà do chị nấu. Thấy vậy, chị
đành chiều lòng con, cho tiền để các cháu ăn sáng ở trường.
Nhưng làm chị Bắc buồn lòng hơn chính là việc các cháu thiếu quan
tâm đến người xung quanh. Chưa bao giờ chị thấy các cháu chủ động gọi
điện hỏi thăm ông bà nội, ngoại cũng như anh em ở quê mặc dù vợ chồng
chị vẫn đều đặn chu cấp tiền điện thoại hàng tháng cho con. Tháng trước,
chị bị cảm không đi chợ, lo cơm nước được trong khi chồng chị thì bận
việc suốt ngày ở cơ quan nên bữa ăn trong nhà bữa được, bữa mất, vậy mà
các cháu không hỏi han mẹ lấy một câu. Đứa con gái lớn năm nay học lớp 9
cũng không biết phụ mẹ rửa chén bát. Mọi việc to nhỏ trong nhà, vợ
chồng anh chị đều phải “tự bơi” mà không nhận được sự giúp đỡ nào của
con cái.
Có lẽ, trường hợp của chị Bắc, chị Loan không phải là những trường hợp cá biệt trong xã hội hiện đại.
Con hư tại cha mẹ?
Các nhà xã hội học cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng
trẻ vô tâm, ích kỷ như môi trường xã hội, áp lực học tập, quá được nuông
chiều, cha mẹ bận rộn không có thời gian uốn nắn...
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, cái “gốc” của hiện tượng trẻ
thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh nằm ngay ở trong gia đình. Dấu
hiệu để nhận thấy đầu tiên là cha mẹ quá nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng
đầy đủ về mặt vật chất cho con nên trong các cháu xuất hiện tư tưởng
thoải mái hưởng thụ. Và mặc nhiên, các cháu không cần quan tâm, suy nghĩ
đến người khác. Chính vì vậy, con trẻ ngày càng mất dần tính chủ động,
lười lao động, vụng về làm “hư bột, hư đường” mỗi khi phải đụng tay vào
việc gì. Bên cạnh đó, việc cha mẹ bận bịu với công việc nên thiếu quan
tâm, uốn nắn con mình hướng về người khác cũng là một nguyên nhân dẫn
đến tình trạng trên. Không ít bậc cha mẹ phó mặc hết việc dạy dỗ con cho
nhà trường hoặc cho rằng cứ mặc kệ, lớn lên tự con mình sẽ hiểu.
Tiên học lễ...
Các nhà tâm lý học, xã hội học khuyên rằng: không nên nuông chiều con
quá mà phải hướng các cháu làm quen với công việc để hình thành các kỹ
năng lao động, kỹ năng xử lý công việc cũng như kỹ năng vượt qua những
khó khăn trong cuộc sống. Tuy vẫn phải ưu tiên dành thời gian cho các
cháu học tập nhưng không có nghĩa là cha mẹ làm mọi việc cho con, mà
phải tập cho các cháu thói quen làm việc. Có thể bắt đầu từ những việc
nhỏ, những kỹ năng đơn giản tiến tới hình thành tính tự lập cho con. Bên
cạnh đó, cũng cần quan tâm giáo dục, định hướng cho con về ý nghĩa của
việc quan tâm đến người xung quanh, đặc biệt là người thân, giúp các
cháu hiểu làm được điều đó không những đem lại niềm vui cho người thân
mà còn cho chính bản thân. Đồng thời, cha mẹ luôn giáo dục, nhắc nhở các
cháu hướng về nguồn cội, người thân nhằm giúp các cháu ngày càng sâu
sắc hơn trong suy nghĩ và hành động.
Tóm lại, trong xã hội hiện đại, dưới tác động của nền kinh tế thị
trường, của quá trình giao lưu, hội nhập, của sự giao thoa giữa các nền
văn hoá và khi người lớn luôn tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ
chú tâm xây dựng, đầu tư vào việc học hành cho con mà ít quan tâm, giáo
dục các cháu chữ “lễ” thì việc một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống
ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, các
bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, xây dựng cho con mình các kỹ năng
sống một cách sâu sắc, biết quan tâm đến mọi người trong cả suy nghĩ và
hành động.
ThS Nguyễn Quế Diệu (Hội Tâm lý giáo dục tỉnh Đồng Nai, giảng viên ĐH Nguyễn Huệ)
Theo SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *