Cứ xuôi theo dòng lịch sử Việt, có biết bao điều để nói về những người anh hùng. Quang Trung – Nguyễn Huệ là một trong những người như thế. Đó là người thay đổi cả vận mệnh một quốc gia một thời, đánh một dấu ấn vàng son cho dân tộc Việt. Nói đến ông, người ta vẫn còn xót xa tiếc nuối một câu “giá như” ông không ra đi ở cái tuổi chưa tứ tuần thì một thời đại huy hoàng hơn nữa sẽ mở ra cho cả một dân tộc. Hãy cùng xem điều gì làm nên sự nuối tiếc ấy?
Xóa tan cơ đồ Trịnh, Nguyễn
Sử liệu đã khẳng định một cách chắc chắn rằng hoàng đế Quang Trung họ Hồ, có tên “khai sinh” là Thơm. Thân sinh ra Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) là Hồ Phi Phúc và thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. Ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định) là nơi ba anh em Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ra đời. Đó là làng quê bên dòng sông Côn, có bến Trường Trầu là nơi Nguyễn Nhạc đón khách trong những chuyến buôn trầu trong những ngày đầu nuôi chí.
Bình Định là khởi nguồn khai sáng của nghĩa quân Tây Sơn. Chỉ trong hai năm từ 1771 đến 1773 cuộc dấy binh của nghĩa quân lớn mạnh nhanh chóng, làm chủ một vùng rộng lớn từ Quy Nhơn đến Bình Thuận. Đến năm 1774 tại phía Bắc, quân của triều đình Lê Trịnh chiếm đóng vượt đèo Hải Vân đến Quảng Nam, phía Nam chúa Nguyễn làm chủ vùng Bình Thuân tới Phú Yên. Quân Tây Sơn quản cai vùng Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
Từ năm 1776 đến 1783, quân Tây Sơn đã 5 lần tiến công vào Gia Định làm tan vỡ hoàn toàn, đánh đuổi tàn quân của chúa Nguyễn phải trốn sang sống lưu vong bên đất Xiêm (Thái Lan). Cơ đồ nhà Nguyễn gây dựng ở Đàng Trong đến đây hoàn toàn tan rã. Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm cầu cứu viện binh.
Lúc đó liên quân Xiêm – Nguyễn đã kiểm soát vùng Hậu Giang, chiếm đóng miền Tây sông Tiền Giang. Nguyễn Ánh và quân bản bộ đóng đồn ở trên bờ sông. Quân Xiêm vừa đóng ở trên bờ, vừa đỗ chiến thuyền dọc theo bờ sông để hỗ trợ lẫn nhau. Được tin, Nguyễn Huệ tức tốc đem quân vào Gia Định để chống giặc.
Nhờ bày binh bố trận, dùng kế “điệu hổ ly sơn” cùng sự tính toán tài tình thủy triều, thời gian hợp lý để cho quân mai phục và nhử địch, Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng đáng nể tại Rạch Gầm, Xoài Mút. Quân Tây Sơn giấu mình giữa rừng cây, trong sông nước, xen giữa nhiều thôn xóm, mai phục hai bên bờ rồi bất ngờ tá hỏa xông lên cùng đoàn pháo binh làm quân địch hoảng hốt rồi tan tành.
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút khiến quân Xiêm sợ hãi, không bao giờ dám xâm lược nữa.
Đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn (Đêm 18 rạng 19 tháng 1 năm 1785), sau trận phục kích, quân Xiêm La thiệt hại nặng, chỉ còn vài ba ngàn sống sót chạy về bên kia bên giới. Người Xiêm kinh sợ gọi Nguyễn Huệ là tướng nhà trời và sợ như sợ cọp. Chúa Nguyễn Ánh cũng phải trốn sang Xiêm La.
Đánh xong quân chúa Nguyễn, quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân. Trong khi Nguyễn Nhạc xưng đế và cùng Nguyễn Lữ củng cố địa bàn rộng lớn vừa bình định thì Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh đã tự ý đem quân tấn công ra Bắc. Với thế chẻ tre, quân Tây Sơn như đi vào chỗ không người. Cơ đồ 217 năm của chúa Trịnh tan thành mây khói.
Thần tốc phá tan 20 vạn quân Thanh
Thế nước chưa yên thì giặc ngoài đã nhăm nhe nhòm ngó. Nguyễn Huệ chưa bình định yên ổn chúa Nguyễn thì quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống đã tràn vào. Nguyễn Huệ nhanh chóng tìm cách giải quyết, lên kế hoạch tác chiến. Một lần nữa kỳ tích lại xảy ra. Tất cả là nhờ tài thao lược của chủ tướng Nguyễn Huệ.
Quang Trung đại phá quân Thanh
Đầu tiên, ít ai ngờ rằng đội quân của Nguyễn Huệ “giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh” mà lại có thể “tiêu diệt được quân Trung Hoa vào hồi đầu năm” như lời một giáo sĩ người Pháp là Léfroy viết ngày 6/7/1789. Giáo sĩ này còn viết: “Vì ông ta (tức Nguyễn Huệ) là người can đảm và được coi là Alexandre đại đế ở đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông ta đã bắt gặp”. Minh đô sử đã nhận xét về Nguyễn Huệ: “Có nhiều mưu lược, hiệu lệnh như lửa, hễ ai phạm vào luật cấm thì chém tươi không tha, tướng sĩ đều kinh sợ như thần minh”.
Thứ hai, tài tổ chức quân đội của Nguyễn Huệ cũng rất đáng chú ý. Ông từng rút 2 vạn quân khỏi kinh thành Thăng Long về Nam nhằm “bỏ rơi” Nguyễn Hữu Chỉnh mà trinh sát của Chỉnh không biết. Đồng thời, ngày 21/12/1788 sau khi nghe quân của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết báo tin về Phú Xuân là quân Thanh đã tràn vào Thăng Long thì Quang Trung đã truyền lệnh đắp đàn Nam Giao ở Núi Bân. Sáng hôm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Sau khi tuyên chiếu, hoàng đế Quang Trung liền hạ lệnh xuất quân. Ở vào thời đó, phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu, vậy mà chỉ cần chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, Quang Trung đã chuẩn bị xong cho một cuộc chiến.
Gươm chiến đấu của quân Tây Sơn.
Thứ ba, tốc độ hành quân của quân Tây Sơn đều khiến quân địch khinh hãi. Người ta ngỡ như đoàn quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ không đi theo đường thiên lý (quốc lộ) mà di chuyển bằng đường thượng đạo. Tuy nhiên thật khó tưởng tượng một đội quân hàng vạn người mà di chuyển với độ dài khoảng 300km từ Phú Xuân (Huế) đến Nghệ An chỉ mất 4 ngày. Và tất cả quãng đường vừa di chuyển vừa tuyển quân, đào tạo quân rồi đánh giặc của vua Quang Trung từ Phú Xuân đến Thăng Long chỉ mất có 40 ngày. “Người Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân rất gấp, xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp, xưa nay chưa từng nghe nói có giặc nào như thế”, sách “Hoàng Lê nhất thống chí” viết.
Thứ tư, quân Tây Sơn còn được trang bị vũ khí hơn hẳn đối phương. Thời đó mà thuyền chiến Tây Sơn có thể chở từ 700 – 800 lính, và có thể trang bị từ 60 đến 70 đại bác. Trong khi đó, thuyền chiến của Pháp trang bị cho Nguyễn Ánh chỉ có thể chở được 300 lính và mang 30 đại bác mà thôi. Đoàn voi chiến của vua Quang Trung cũng có thể cõng 13 người và có thể mang hoặc kéo cả đại bác theo sau. Một quả đạn đại bác của quân Tây Sơn có thể làm sập một cây cổ thụ và phá vỡ một mảng tường bằng gạch dễ dàng, hơn hẳn đại bác nhà Nguyễn chế tạo vào thế kỷ 19. Đặc biệt, vũ khí cầm tay trang bị cho chiến binh là “hỏa hổ”. Đó là súng phóng lửa.
Súng thần công của quân Tây Sơn.
Cái “giá như” cho một hoài bão dở dang
Quang Trung mất ở tuổi tráng niên, sự nghiệp vĩ đại ấy mãi mãi dang dở ở tuối 39. Ông bất ngờ ra đi để lại sự xót xa tiếc nuối cho cả một thời. Bởi lẽ những đóng góp của Quang Trung đã thay đổi cả nền văn hóa một quốc gia. Danh tiếng của Quang Trung đã khiến vua Càn Long thời ấy phải nể trọng vài phần, có ý gả công chúa và cắt đất hai vùng Quảng Đông, Quảng Tây cho Quang Trung để làm của hồi môn. Sứ thần của hai bên đã qua lại, giao thiệp. Quang Trung cũng đã nhận lời. Thế nhưng đúng vào lúc ấy, cái chết đột ngột của ông đã khiến mọi thứ tan thành mây khói. Vùng Lưỡng Quảng đã mãi không thể về với nước Việt và chuyện kết thân, cầu hôn cũng mãi chỉ là giai thoại.
Người đời luôn khâm phục sự tài tình của Vua Quang Trung khi gửi chiếu cầu hòa sau khi chiến thắng quân Thanh, xin mở cửa công thương ngoại giao giữa hai nước, giữ gìn hòa bình, ổn định cho quốc gia. Quang Trung còn góp phần quan trọng trong việc cải cách giáo dục phổ thông, thay chữ Hán bằng chữ Nôm, xây dựng giao thương bình ổn cùng một chế độ “dân tộc bình đẳng” với các quốc gia khác, đặc biệt xứng ngang tầm với một quốc gia lớn mạnh như Trung Hoa.
Nguyệt Hà
http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/vi-hoang-de-kiet-xuat-nhat-lich-su-viet-nam-khien-vua-can-long-phai-ne-so-cat-dat-cau-than.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *