25 thg 6, 2018

Cách người mẹ chia táo đã tạo nên cuộc đời một trời một vực của hai đứa trẻ




Một nhà tâm lý học hình sự của nước Mỹ vì muốn nghiên cứu sự ảnh hưởng của người mẹ đến cuộc đời của con cái đã làm một cuộc thí nghiệm thú vị.

Ông đã lựa chọn ra 50 người Mỹ thành đạt. Những người này làm trong các ngành nghề khác nhau và đều rất xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật. Đồng thời, ông cũng lựa chọn ra 50 tội phạm. Nhà tâm lý học gửi cho mỗi người một lá thư và thỉnh cầu họ kể về sức ảnh hưởng trong cách giáo dục của mẹ đối với họ.

Sau nửa tháng, nhà tâm lý học thu được một loạt thư hồi âm. Trong loạt thư hồi âm đó, ông đặc biệt chú ý đến hai bức thư. Đó đều là câu chuyện kể lại cách người mẹ phân chia quả táo cho các con như thế nào.

Một tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù tiểu bang Pelican Bay ở California, Mỹ đã viết rằng:

“Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, có một lần vào lễ Giáng Sinh, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo to nhỏ khác nhau. Tôi liếc mắt qua đã thấy quả táo ở chính giữa vừa chín mọng lại vừa to. Tôi rất muốn có được nó. Lúc ấy, mẹ tôi đem số táo đặt lên bàn rồi hỏi tôi và John em trai tôi là: ‘Các con muốn lấy quả nào?’. Tôi vừa định nói là muốn lấy quả táo to nhưng khi còn chưa thốt lên lời, John đã nói trước tôi ý muốn của cậu ấy. Mẹ tôi nghe xong, trừng mắt liếc em trai tôi một cái rồi quở trách: ‘Đứa trẻ ngoan là phải đem những thứ tốt tặng cho người khác, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình!’.

Thế là vì để được mẹ khen ngợi, tôi nhanh nhẹn đổi giọng: ‘Mẹ ơi con muốn lấy quả bé nhất ạ! Mẹ hãy lấy quả táo to nhất cho John đi!’. Mẹ tôi nghe xong, quả nhiên vô cùng mừng rỡ và khen ngợi tôi, hơn nữa bà còn đem quả táo vừa to vừa chín mọng kia thưởng cho tôi, còn John chỉ nhận được quả táo bé nhất.

Từ đó về sau, để đạt được những thứ mình mong muốn, tôi sẽ ngụy trang suy nghĩ thật trong lòng mình và không ngừng nói dối lựa theo ý của mẹ. Trong gia đình, tôi đều dùng cách này để đạt được thứ mình mong muốn. Lên cấp 3, để đạt được những thứ mình muốn, thỏa mãn ham muốn của bản thân, tôi sẽ không từ một thủ đoạn nào. Tôi thường xuyên đánh nhau, ăn cắp, hút hít rồi sát nhân và bây giờ tôi đang bị tù chung thân”.



Khi nhìn thấy quả táo ngon trước mắt trẻ sẽ phát sinh tâm lý muốn chiếm hữu lấy phần hơn, dạy trẻ nhường nhịn một cách thoải mái từ tâm sẽ tốt hơn là dạy trẻ nhường nhịn khôn lỏi. (Ảnh: dachnyi-ychastok.ru)

Một nhân vật nổi tiếng đang làm việc cho Nhà Trắng viết rằng:

“Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ, đến ngày sinh nhật của cha tôi, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo. Mẹ tôi hỏi: ‘Các con muốn lấy quả táo nào?’. Tôi cùng các anh tôi ai cũng nói rằng muốn lấy được quả to và đỏ nhất. Nhưng mẹ tôi không đưa cho ai ngay mà lại cầm nó trong tay rồi nói với chúng tôi rằng: ‘Được rồi, các con, các con ai cũng muốn có được quả táo to nhất, chín nhất và ngon nhất này phải không? Nhưng mà quả táo này lại chỉ có một nên bây giờ mẹ muốn các con làm một việc như thế này. Mẹ sẽ chia mảnh vườn trước cửa nhà mình thành ba mảnh. Các con mỗi người sẽ phụ trách nhổ cỏ ở một mảnh. Ai hoàn thành được phần việc của mình một cách nhanh nhất, tốt nhất thì người đó xứng đáng nhận được nó!’.

Kết quả là thông qua sự cố gắng, nỗ lực của bản thân tôi đã giành được quả táo to nhất kia. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ tôi, bà đã cho tôi hiểu rõ một đạo lý đơn giản nhất và cũng là quan trọng nhất là muốn đạt được thứ mình mong muốn nhất định phải trả giá, phải có sự cố gắng thực sự của bản thân mình.

Mẹ tôi luôn giáo dục chúng tôi như vậy. Trong nhà tôi, anh em tôi muốn được thứ gì mà mình muốn thì đều phải thông qua làm tốt một việc gì đó bằng chính sức lực của mình. Tôi thấy điều này rất công bằng. Bạn muốn giành được điều gì, thì nhất định phải vì nó mà cố gắng, mà trả giá!”.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, cha mẹ có thể dạy cho con trẻ nói lời nói dối đầu tiên, cũng có thể dạy con trẻ trở thành một người thành thật cố gắng vươn lên.

Dưới đây là những kiến nghị của chuyên gia, hãy xem chúng ta có thể làm được bao nhiêu điều?

Tôn trọng con trẻ như một cá thể độc lập

Trao đổi trò chuyện cùng con trẻ với một tâm thái bình đẳng, chứ không phải là với một tư thái ngồi tít trên cao, bảo chúng cái này không được, cái kia không được. Về điểm này, cách làm của người ngoại quốc thật đáng để chúng ta học tập. Những lúc con trẻ không chịu ăn, phụ huynh người Mỹ sẽ không bức ép, mà dịu dàng nói: “Con xem, bánh cà rốt kia đang chờ con đấy, con nếu bỏ mặc nó không chịu ăn, nó sẽ buồn lắm đấy”.

Những lúc con trẻ làm sai, họ cũng rất hiếm khi trách mắng con trẻ, mà nói rằng: “Bố mẹ nghĩ không phải là con cố ý, lần sau con sẽ không làm như vậy nữa, đúng không nào?”. Họ tuyệt đối sẽ không dạy dỗ con trẻ trước mặt người khác, bởi họ biết trách mắng con trẻ ngay trước mặt mọi người sẽ tổn thương lòng tự tôn của trẻ. Còn như con trẻ muốn thay quần áo, họ sẽ để cho con trẻ tự mình quyết định nên chọn bộ nào.


Cùng thảo luận vấn đề thoải mái và tôn trọng ý kiến của trẻ sẽ khích lệ tâm ý muốn suy nghĩ về vấn đề đó, tạo nên năng lực tư duy độc lập cho con trẻ. (Ảnh: theredish.com)

Khen ngợi và khích lệ con trẻ vừa phải

Khen ngợi và khích lệ con trẻ vừa phải có thể tăng cường thêm lòng tự tin của trẻ. “Con thật là giỏi!”, “Mẹ tin con có thể làm được tốt mà!”. Sau khi được khẳng định, con trẻ sẽ càng làm càng tốt hơn. Có những lúc cũng có thể thông qua hình thức khen thưởng để khích lệ chúng học tập hoặc làm một việc nào đó. Những lúc chúng mắc lỗi mà cảm thấy buồn bã, cần phải cẩn thận an ủi chúng, và dạy cho chúng cải chính như thế nào. Dẫn dắt nhiều, trách mắng ít, có thể giúp con trẻ trưởng thành một cách chắc chắn hơn.

Con trẻ đều là độc nhất vô nhị, đừng nên so sánh chúng với ai

Mỗi một đứa trẻ đều là độc nhất vô nhị, vậy nên đừng luôn cứ ở trước mặt con trẻ khen con trẻ nhà người khác xuất sắc như thế nào, thông minh tài giỏi ra sao. Nếu cha mẹ luôn bắt bẻ con của mình, điều này dễ khiến chúng sinh ra tâm lý tự tự, khiến chúng cảm thấy bố mẹ không thích mình, hoặc bản thân mình rất kém cỏi vô dụng. Như vậy không chỉ tổn thương mối quan hệ với con cái, cũng sẽ tạo thành nhân cách không kiện toàn sau này chúng lớn lên.

Lời đã hứa với con trẻ nên phải được thực hiện


Khi con trẻ đua đòi muốn mua một món đồ nào đó, phụ huynh có thể sẽ nói hãy đợi ngày mai mới mua cho chúng; khi con trẻ không chịu làm bài tập, phụ huynh có thể sẽ nói làm xong bài tập sẽ mua cây kem cho nó ăn. Phụ huynh có lẽ chỉ đơn giản là vì để dỗ dành chúng mà tùy miệng nói ra, chứ không xem những lời hứa này là gì to tát cả, nhưng con trẻ có khi chúng lại xem là thật. Khi mà lời hứa không được thực hiện, chúng sẽ thất vọng hoặc quấy khóc, lâu dần sẽ hoàn toàn mất đi lòng tin với bạn. Bởi vậy, nếu bạn đã hứa với con trẻ điều gì, thì nhất định phải làm được. Như vậy, sau này chúng mới có thể trở thành một con người thành tín được.


Một lời hứa của người lớn rất quan trọng với trẻ, nếu chỉ cần ta thất hứa thì trẻ sẽ mất đi lòng tin, dần dần trẻ sẽ học cách giảo biện. (Ảnh: UPstation.id)

Nghiêm túc lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, hiểu được đòi hỏi của chúng


Thế giới nội tâm của con trẻ rất phong phú đa dạng, cha mẹ nếu muốn giáo dục chúng được tốt hơn, thì cần phải hiểu được chúng, dùng nhãn quan của chúng mà nhìn thế giới xung quanh. Phụ huynh thông minh, thường sẽ đối đãi với con trẻ như một người bạn vậy. Nghiêm túc lắng nghe tiếng lòng của chúng, hiểu được đòi hỏi của chúng, có như vậy mới dễ dàng có được sự tin cậy và tôn kính của con trẻ.

Khi con trẻ trò chuyện cùng bạn, dẫu bạn đang làm gì, xin hãy nhìn vào ánh mắt của con trẻ mà nghiêm túc lắng nghe; những lúc con trẻ quấy khóc thì cần phải kiên trì dỗ dành, cố gắng thấu hiểu chúng. Nếu người lớn có thể buông xuống cái vỏ người lớn của mình, bạn sẽ rất mau chóng tiến nhập vào thế giới nội tâm của con trẻ, khi đó con trẻ cũng sẽ xem bạn giống như người bạn của chúng vậy.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ


Có câu: “Giáo dục bằng hành động có sức nặng hơn nhiều so với giáo dục chỉ bằng lời nói”, cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất của con trẻ. Một phụ huynh mà có những lời lẽ thô lỗ, phẩm hạnh thấp kém, thiết nghĩ thật khó có thể nuôi dạy ra được một đứa con ngoan ngoãn với đầy đủ phẩm cách cao thượng. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, là đối tượng để chúng noi theo về mọi mặt. Nếu muốn con trẻ trở thành một người lạc quan tích cực, khiêm tốn lễ phép, giàu lòng thương người, cha mẹ nên cố gắng trở thành tấm gương tốt về phương diện này.

Theo NTDTV
Vũ Dương biên dịch
https://www.dkn.tv/giao-duc/cach-nguoi-me-chia-tao-da-tao-nen-cuoc-doi-mot-troi-mot-vuc-cua-hai-dua-tre.html

                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d @-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
Sau link ảnh, không gõ thêm bất cứ ký tự nào nữa.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ.