17 thg 2, 2019

Giáo dục nhân cách là nền tảng tạo nên con người chân chính

Từ xưa, mục đích của giáo dục xuyên suốt các nền văn hóa trên thế giới là tạo nên những thế hệ trẻ với những nhân cách, đạo đức tốt 
đẹp..

.

Nền giáo dục Nhật Bản được xây dựng với triết lý “con người = đạo đức”. (Ảnh: Pixabay)

Trung thực, cần cù, lễ phép, biết tôn trọng người khác, liêm chính, vị tha, biết quan tâm đến người khác, có tinh thần trách nhiệm, tự kỷ luật… là các giá trị đạo đức phổ quát, là cái gốc và nền tảng cho sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Các bài học đạo đức và những đức tính tốt đẹp này không phải có được trong ngày một ngày hai mà phải trải qua quá trình chỉ bảo, rèn giũa và lưu truyền.

Ở gia đình, trẻ từ bắt chước rồi đến học hỏi và dần dần thực hành các bài học đạo đức này từ bố mẹ, ông bà, anh chị. Ở môi trường học đường, mỗi giáo viên, nhà quản lý, lãnh đạo trường học hay người bảo vệ, người lái xe buýt chở học sinh đều là những tấm gương mà mỗi lời nói, cử chỉ và cách hành xử đều có ảnh hưởng đến việc định hình và phát triển nhân cách của trẻ.

Theo Tập đoàn Thiết lập Chương trình Giáo dục Nhân cách New Zealand (The New Zealand Foundation for Character Education Inc.), kết quả từ một cuộc khảo sát tại New Zealand cho thấy cha mẹ học sinh hoặc người chăm sóc trẻ xếp hạng đức tính Chân thành, Trung thực là phẩm chất quan trọng nhất mà họ mong muốn con cái mình có được[1].

Không đặt kiến thức và thành tích thi đua là mục tiêu hàng đầu hay “giá trị cốt lõi” như giáo dục Việt Nam hiện nay, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều đặt trọng tâm vào việc giáo dục và phát triển nhân cách, các giá trị đạo đức cho trẻ.

Chương trình Giáo dục tính cách (Character Education) được các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng xây dựng và phát triển. Mặc dù có khung chương trình đào tạo và các nội dung định hướng cần giảng dạy nhưng nội dung tiết học và hình thức thực hiện rất phong phú, do từng trường hay mỗi giáo viên tự thiết kế, sáng tạo và truyền đạt đến học sinh. Cùng với đó, có rất nhiều tổ chức, diễn đàn online, website, là nơi cung cấp và trao đổi các nội dung bài giảng, ý tưởng để giáo viên tham khảo và học hỏi.

Không phải là một chương trình bổ trợ cho các môn học bắt buộc, cũng không phải chỉ được dạy một cách riêng lẻ hay mang tính lý thuyết trên trang giấy như môn học Đạo đức, Giáo dục công dân của Việt Nam như hiện nay, ngoài các tiết học được phân phối theo giờ cố định, các nội dung của chương trình Giáo dục tính cách được thầy cô giảng dạy và cùng thực hành với học sinh trong mọi hoạt động ở trường, bất kể là trong lớp học, ngoài sân chơi, hay trong văn phòng của thầy cô… Cả trường sẽ cùng thực hành các đức tính này và tương tác với nhau.

Các tranh ảnh, thông điệp, các câu chuyện hay bộ phim, đĩa DVD, bài hát, các hoạt động trong lớp học hay dự án cuối kỳ được sử dụng rất đa dạng. Nội dung bài giảng được truyền tải tới học sinh lần lượt theo từng cấp độ: từ việc đưa ra định nghĩa về một đức tính, khuyến khích học sinh đưa ra các ví dụ minh hoạ, thảo luận về tầm quan trọng của đức tính đó (tại sao phải có đức tính đó, đức tính đó có ảnh hưởng như thế nào đến bản thân và cộng đồng…), viết bài, đóng kịch, đến khi kết thúc bài dạy, mỗi học sinh sẽ hoàn thành tác phẩm của mình hoặc cả lớp sẽ cùng làm một dự án liên quan.

Ý tưởng làm dự án cho bài học “Lòng tốt” ở trường với thông điệp: “Cây Tử tế: Những hành động tử tế khiến tôi nở bung sắc hoa”.


Ở New Zealand, hầu hết các trường, từ tiểu học, học sinh được dạy và thực hành, rèn luyện 8 đức tính gồm: Tôn trọng, Trách nhiệm, Chân thành và Trung thực; Quan tâm đến người khác; Đồng cảm; Tình thân ái; Biết phụng sự và Lòng biết ơn[2].

Trong một năm học có 4 kỳ học, mỗi kỳ sẽ học một giá trị đạo đức[3]. Tám bài học về đạo đức sẽ được dạy trong chu trình 2 năm. Ví dụ: Kỳ 1 là chủ đề Đồng cảm, Kỳ 2 là Trung thực, Kỳ 3 là Trách nhiệm…

Trong học kỳ Trách nhiệm, học sinh sẽ được học những bài hát có chủ đề về Trách nhiệm. Các bài viết văn, thơ, các bức hoạ cũng là về chủ đề này. Trong cả học kỳ kéo dài từ 8 đến 10 tuần, trẻ sẽ luôn thực hành đề cao tinh thần trách nhiệm với bản thân, với bài vở, trường lớp.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Tập đoàn Thiết lập Chương trình Giáo dục Nhân cách New Zealand thực hiện vào năm 2004[4], các trường học đánh giá chương trình Giáo dục tính cách mang đến những cải thiện quan trọng cho môi trường học đường như: cải thiện hành vi ứng xử của học sinh, ít phải áp dụng các hình thức kỷ luật hơn, khiến trường học trở thành một cộng đồng chia sẻ…

Cuộc khảo sát năm 2007[5] được tiến hành với 34 trường học của New Zealand một lần nữa xác nhận những kết quả trên và chỉ ra thêm rằng: các học sinh trở nên có trách nhiệm hơn trong học tập và thực hành các giá trị đạo đức nền tảng này trong hầu hết các kế hoạch và công việc học tập; tỷ lệ phá phách trong trường học cũng giảm khoảng 60-75%; 75% trường học cho biết họ quản lý trường học dễ dàng hơn; các học sinh ngoan ngoãn và ý thức hơn cho phép giáo viên tập trung hơn vào việc giảng dạy…

Một bảng tin ở trường học được trang trí: “Hãy lấy thứ bạn cần: Hy vọng, Sự tự tin, Tình yêu, Sự tốt bụng, Tin cậy, Tự chủ, Kiên nhẫn, Hoà Bình, Khiêm tốn”



(Nguồn: purpleprontopups-wordpress-com.cdn.ampproject.org)

Ở Canada, đất nước không có một bộ giáo dục hay một hệ thống sách giáo khoa trên toàn liên bang. Mỗi tỉnh (bang) có một Bộ giáo dục riêng. Mỗi quận/thành phố trong tỉnh lại có một Hội đồng Giáo dục địa phương (District School Board) quản lý các trường học trong khu vực của mình. Mỗi trường lại có kế hoạch và các hướng dẫn riêng về những nội dung cần giảng dạy nhưng trách nhiệm cuối cùng là ở giáo viên trực tiếp đứng lớp, họ tự lên giáo án, chọn sách, tài liệu tham khảo và hình thức tổ chức lớp học.

Theo chương trình Giáo dục Tính cách của Hội đồng Giáo dục thành phố Toronto (Toronto District School Board, tỉnh Ontario), 10 tính cách được giảng dạy trong 10 tháng của mỗi năm học (mỗi tháng dạy một tính cách), nội dung được điều chỉnh theo từng độ tuổi, bao gồm: Tôn trọng (Tháng 9); Trách nhiệm (Tháng 10); Sự cảm thông (Tháng 11); Sự tử tế và Quan tâm (Tháng 12); Tinh thần làm việc nhóm (Tháng 1); Sự công bằng (Tháng 2), Trung thực (Tháng 3); Tinh thần hợp tác (Tháng 4); Chính trực (Tháng 5) và Kiên nhẫn (Tháng 6)[6].

Dựa trên khung chương trình, mỗi trường và giáo viên sẽ có những bài giảng linh hoạt phù hợp với học sinh của mình. Ví dụ tham khảo về chương trình và tài liệu cho nội dung Giáo dục Tính cách từ Tổ chức Learning to Give[7] được thiết kế như sau:

Cùng học về một tính cách nhưng các lớp 6, 7, 8 sẽ được học các nội dung khác nhau, càng học lớp cao thì nội dung bài học càng sâu sắc và mở rộng hơn, được liên hệ với các đức tính khác.

Như bài học về Tôn trọng được học vào Tháng 9: Khối lớp 6 sẽ học khái niệm về sự tôn trọng; Khối lớp 7 sẽ liên hệ sự tôn trọng với tinh thần dân chủ và thực hiện một chương trình/dự án nhằm khuyến khích thực hiện sự tôn trọng trong nhà trường; Khối lớp 8 sẽ học tôn trọng tính đa dạng của các nhóm/tổ chức, các em cũng sẽ học Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Đến bài học về Trách nhiệm, trong khi học sinh lớp 6 học các bài đọc để có những khái niệm về tinh thần trách nhiệm thì học sinh lớp 7 phải hoàn thành các nhiệm vụ được cô giao để hiểu về tinh thần trách nhiệm, đồng thời phát triển đức tính Trung thực; các buổi học sẽ có thêm hoạt động đóng kịch trên lớp với nội dung liên quan đến Tinh thần trách nhiệm. Trong khi đó, học sinh lớp 8 sẽ nghiên cứu và thảo luận nội dung: làm việc có tinh thần trách nhiệm và không có trách nhiệm sẽ mang lại lợi ích hay ảnh hưởng như thế nào. Các em cũng sẽ được đọc các bài đọc về tinh thần trách nhiệm của các nhân vật lịch sử như: Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.

Với đức tính Trung thực được học vào Tháng 3, học sinh lớp 6 sẽ học định nghĩa về đức tính Trung thực, cùng động não để đưa ra nhiều ví dụ về đức tính này, các em cũng sẽ viết bài hoặc diễn kịch để thể hiện Trung thực là đức tính quan trọng nhất như thế nào. Trong khi đó, học sinh lớp 7 sẽ liên hệ đức tính Trung thực với các nguyên tắc và đưa ra quyết định trong cuộc sống, các em cũng được học các từ vựng liên quan đến sự chân thật, viết bài và diễn các vở kịch về đức tính này. Học sinh lớp 8 sẽ tìm hiểu ở khía cạnh con người không trung thực với chính bản thân mình như thế nào và ảnh hưởng của điều đó tới các vấn đề cộng đồng và thế giới, qua đó liên hệ với Tinh thần Trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Với các chương trình chi tiết, từng bước một như vậy, trẻ bắt đầu từ có nhận thức, sẽ dần dần có sự điều chỉnh các hành vi của mình, từ đó hình thành thói quen và tính cách tốt.

Cô giáo viết tên của học sinh và một đức tính tốt đẹp lên mỗi chiếc bàn để chào đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ: Vui vẻ, Thân thiện, Hạnh phúc, Chín chắn, Trách nhiệm…



Dự án nhỏ của giáo viên: “Con sẽ là người như thế nào trong năm học này? Học hành chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm; Thông minh; Tuyệt vời; Ngây thơ; Hạnh phúc; Là chính mình; Chân thành; Điềm tĩnh…”




Ở Nhật Bản, giáo dục nhân cách gắn liền với các truyền thống của dân tộc và đặc biệt có sự gắn kết chặt chẽ giữa cha mẹ với thầy cô và xã hội.

Sau những khoảnh khắc lặng đi và rơi nước mắt trước tổn thất nặng nề mà đất nước này phải gánh chịu trong thảm hoạ kép động đất – sóng thần vào năm 2011, nhiều người thêm trầm ngâm và suy tư về sự điềm tĩnh, kỷ luật một cách đầy kinh ngạc của người dân “đất nước mặt trời mọc”. Từ ngưỡng mộ “sự phát triển thần kỳ” của Nhật Bản trong quá khứ, cả thế giới lại thêm cảm phục những giá trị đạo đức và phẩm hạnh mà người dân ở quốc gia Đông Á này bảo tồn và lưu truyền qua các thế hệ.

Với người Nhật, các bài học đạo đức được thể hiện trong mọi ứng xử, sinh hoạt hàng ngày. Các nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật cho rằng giáo dục Nhật Bản từ trước năm 1945 đã vận hành theo triết lý “mỗi con người là một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.

Các em nhỏ được học tầm quan trọng của phép lịch sự, biết tôn trọng lẫn nhau, thân thiện với thiên nhiên và động vật. Các em cũng học cách chia sẻ và thấu hiểu, sự kiên trì, khiêm tốn, kiềm chế bản thân, biết chịu trách nhiệm, tự kỷ luật và tinh thần phối hợp tập thể. Trẻ không chỉ được dạy dỗ ở trường học mà còn được bảo ban và uốn nắn trong từng khía cạnh nhỏ nhất trong cuộc sống: từ tình yêu thương dành cho các con vật nhỏ hay cây trồng do trẻ tự nuôi và chăm sóc ở gia đình đến biết lễ phép cúi đầu cảm ơn khi đi qua đường, từ bữa ăn trưa ở trường học hay lao động tập thể tự dọn dẹp vệ sinh lớp học…


Học sinh Nhật Bản được tham gia nhiều chương trình hoạt động ngoại trời giúp trẻ phát triển tình yêu thiên nhiên, hoà hợp với môi trường và nhiều kỹ năng khác. (Ảnh: Chris Gladis/Flickr)



(Ảnh: Mstk east/Flickr)

Điều quan trọng nhất là: cả xã hội Nhật Bản nhất mực coi trọng các giá trị này, họ thực hành trong suốt cả cuộc đời và trong tất cả các mối quan hệ: từ gia đình, trường học đến các công sở, nơi công cộng. Sống trong một cộng đồng như vậy, trẻ em Nhật Bản sớm được học và rèn giũa những đức tính tốt đẹp.

Mỗi quốc gia có một văn hoá, bản sắc riêng nhưng những phẩm chất tốt đẹp này là các giá trị đạo đức phổ quát, là gốc rễ và cốt lõi để mỗi cá nhân trở thành một con người chân chính, như lời nhắn nhủ của thầy cô Nhật Bản tới học sinh của mình:

“Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa, các em hãy giở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của mình”.
                                                                                 Hải Linh (T/h)
https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/giao-duc-nhan-cach-la-nen-tang-tao-nen-con-nguoi-chan-chinh.html

 
                              

3 nhận xét:

  1. Giáo dục là quá trình đào luyện giúp"thành thân để thành nhân".
    Cảm ơn chị đã chia sẻ bài viết hữu ích.
    Chúc chị an vui,sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  2. Phải đạo đức từ giáo viên
    Từ cha mẹ thì các em mới thấm nhuần

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :) và cả từ xả hội nữa ha em?
      https://3.bp.blogspot.com/-BS91HjdpomA/XI0y9S9KORI/AAAAAAAAK1A/2Tyon1sWOzAPYch63icqugSIUbMIKMamgCLcBGAs/s320/ezgif-5-713d427b6d57.gif

      Xóa

Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d @-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
Sau link ảnh, không gõ thêm bất cứ ký tự nào nữa.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ.