16 thg 8, 2019

Ở hai chiều chữ Hiếu

                    
(PLVN) - Người Việt nói riêng và người châu Á nói chung phần lớn đều quan niệm con cái là “của để dành” của cha mẹ. Cha mẹ sinh con, nuôi con khôn lớn để sau này con là chỗ dựa của cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi thế giới phẳng, con người là công dân toàn cầu, quan niệm này đôi khi đã trở thành nỗi buồn của cha mẹ và nỗi khó xử của những đứa con.


                 Chữ Hiếu ở mỗi giai đoạn có quỹ đạo riêng của mình.
Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện đoạn hội thoại giữa một bà mẹ châu Á và một bà mẹ châu Âu. Đoạn hội thoại cho thấy hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về quan hệ của cha mẹ với con cái. Bà mẹ châu Âu cho rằng trách nhiệm của người làm cha làm mẹ là nuôi dạy một đứa con để nó trở thành công dân tốt, để nó tiếp tục có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, đóng góp cho xã hội, chứ không phải là để duy nhất một trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ lúc cuối đời.

Còn bà mẹ châu Á thì lại cho rằng sinh con ra, nuôi dưỡng con là để sau này con chăm sóc mình tuổi già. Chính vì thế bà mẹ này có những quy tắc sống riêng như sống cùng gia đình con, trông cháu cho con, thậm chí can thiệp vào chuyện riêng của gia đình con, để sau này tuổi già có thể dựa vào con.

Chiếc điện thoại nâng lên đặt xuống

Chị thuộc thế hệ 6X, nhưng suy nghĩ hoàn toàn thuộc về thế hệ cũ như những bà già bảy, tám mươi. Nên khi biết chuyện chị cho phép cậu con trai độc nhất ở riêng họ hàng, bạn bè tấm tắc khen chị tâm lý, cập nhật thời đại. Nghe lời khen, chị tặc lưỡi: “Ôi dào, cũng “trả giá” cao đấy!”.

Chị kể, thực ra không phải đợi đến khi con sắp lấy vợ, chị mới nghĩ đến chuyện cho nó ra riêng, mà thực ra chị đã làm trước đó rất lâu khi con bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Sau nhiều lần hai vợ chồng ngồi chống đũa đợi cơm con, hay cả nhà đã hẹn cùng nhau đi đâu đó cuối cùng lại chỉ có hai bố mẹ vì “con có việc bận đột xuất”, chị hiểu rằng, con trai mình không còn là một đứa trẻ, sống trong vòng tay của cha mẹ nữa.

Nó đã thực sự trưởng thành. Mà cuộc sống của một người trẻ vừa trưởng thành thời bây giờ có quá nhiều cái khác so với ngày xưa, từ chuyện ăn, chuyện mặc, cho đến quan hệ bạn bè, giờ giấc sớm khuya. Chẳng muốn mình từng này tuổi đầu rồi lại luôn bị động về con, và thằng con thì cũng “đau khổ” vì sự quản lý của bố mẹ, nên chị bàn với chồng quyết định cho con ra ở riêng.

Những ngày đầu chị nhớ con điên cuồng, nhớ đến nỗi tránh cả việc vào phòng con quét tước dọn dẹp. Mặc dù trước đó, việc con vắng nhà đôi ba ngày cũng thường xảy ra, nhưng lần này cái sự vắng nó thật khác, nên chị mãi vẫn không sao quen được.

Thằng con sướng điên vì được cho phép ở riêng, nhưng cũng biết chừng bố mẹ buồn nên thời gian đầu tối nào cũng về nhà ăn cơm. Được một dạo rồi thưa dần, thưa dần, tuần hai buổi, tuần một buổi, có tháng thằng con viện cớ bận việc cơ quan, học nâng cao trình độ nên chẳng ăn với bố mẹ được bữa nào.

Nhà chỉ còn hai miệng ăn, nhưng theo thói quen, chị vẫn bày biện những bữa ăn ngon. Vào hôm như vậy, anh giục chị gọi điện cho con, chị cầm điện thoại lên định bấm, rồi nghĩ sao lại đặt xuống bảo anh gọi. Cứ thế, hai vợ chồng đùn đẩy cho nhau, chiếc điện thoại nâng lên đặt xuống đến cả chục lượt trên mặt bàn ăn. Rồi rốt cuộc lại cả hai quyết định không gọi, vì như vậy là “thằng bé có cảm giác bị giám sát”.

Từ ngày có vợ, hai vợ chồng thằng con tuần nào cũng chăm chỉ về ăn cơm cùng bố mẹ. Rồi con sinh cháu, bận bịu với trách nhiệm ông bà, anh chị chẳng còn đoái hoài gì đến chiếc điện thoại, hơn nữa dạo này vợ chồng nó cũng ở nhà anh chị suốt thì còn gọi làm gì.

Đợi cháu cứng cáp, chị bảo thằng con đưa vợ con về quê ngoại chơi ít lâu cho ông bà ngoại đỡ nhớ. Cả nhà nó ríu rít đi rồi, thốt nhiên nỗi buồn của những ngày mới cho con ra ở riêng lại quay lại.

Lần này là chồng chị, anh đi ra đi vào, ngó chiếc điện thoại đăm đăm rồi lại ngó lơ ra chỗ ti vi, làm như đang theo dõi thời sự nhưng thực ra tai vẫn ngóng tiếng chuông. Nhặt rau dưới bếp, chị nghe anh lẩm bẩm: “Không biết chúng nó đi đến đâu rồi, con Cún có mệt không?”. Buồn cười chị nói vóng lên: “Thì ông gọi cho nó đi”. Im lặng một lúc chị nghe tiếng cạch của chiếc điện thoại dằn xuống mặt bàn. “Thôi tôi không gọi đâu, không chúng nó lại bảo mình quản lý chặt quá” – chồng chị lẩm bẩm.

“Con ơi, mẹ cảm ơn con đã giúp mẹ hiểu thấu được mọi chuyện”
Chuyện rằng, có người mẹ đơn thân nuôi con vì chồng bỏ đi từ sớm. Cô ấy làm nghề dạy học, với mức lương khá khiêm tốn đã nuôi dạy con trai khôn lớn thành tài.

Khi còn bé, cậu con trai rất ngoan ngoãn, nghe lời. Người mẹ vất vả nuôi con đến tuổi trưởng thành và cậu con trai được đi Mỹ du học. Đến khi tốt nghiệp đại học, cậu con trai đã ở lại Mỹ làm việc, kiếm được khá nhiều tiền rồi mua nhà và lấy vợ, sinh con, xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Còn người mẹ già này, dự tính sau khi nghỉ hưu sẽ sang Mỹ ở cùng con trai và con dâu, hưởng phúc gia đình vui vẻ sum vầy. Chỉ ba tháng trước khi cô sắp nghỉ hưu, cô đã nhanh chóng viết một lá thư cho con trai, nói với con về nguyện vọng này.

Cô rất vui mừng khi nghĩ đến chặng đường “nuôi con dưỡng già” của mình sắp đến hồi kết tốt đẹp, cùng những ánh mắt hâm mộ của họ hàng, bạn bè xung quanh. Thế nên, một mặt cô đợi hồi âm của con, một mặt cô sắp xếp bán nhà và nộp đơn nghỉ hưu.

Trong đêm trước ngày nghỉ hưu, cô nhận được thư hồi âm của con trai gửi từ Mỹ về, mở thư ra xem, trong thư có kèm một tờ ngân phiếu 30 ngàn đô la Mỹ. Cảm thấy rất lạ, bởi từ trước đến nay con trai không bao giờ gửi tiền về, cô vội vàng mở thư, bức thư viết rằng: “Mẹ à, sau khi vợ chồng con bàn bạc, quyết định là không thể đón mẹ đến Mỹ cùng sống chung được. Con gửi tấm chi phiếu 30 ngàn đô này mong từ nay về sau mẹ đừng viết thư cho con nữa, cũng đừng kể lể về những việc như thế này nữa.”

Đọc xong lá thư, nước mắt mẹ đầm đìa. Cô lặng im suy nghĩ một hồi lâu, thật khó mà chấp nhận được sự thật này. Tuy nhiên, với tấm lòng người mẹ bao la như biển cả, cô không trách con trai, chỉ cảm thấy tủi thân cho một đời góa bụa. Khi trẻ đơn độc nuôi con, bây giờ cần nơi nương tựa vẫn lẻ bóng, lòng cô đau như cắt!

Sau đó, cô tìm đến cửa Phật, và bắt đầu học Phật Pháp. Học được một thời gian, cô cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm, suy nghĩ thông suốt mọi chuyện. Cô dùng 30 ngàn đô đó để đi du lịch khắp thế giới, lần đầu tiên trong đời, cô được mở mang tầm mắt thấy được quang cảnh thế giới này thật đẹp biết bao. Cảm thấy cuộc đời cởi bỏ được tất cả mọi sân si, hờn giận, cô thanh thản viết cho con trai mình một bức thư.

“Con trai à, con muốn mẹ đừng viết thư cho con nữa, thế thì, cứ xem như lá thư này là bổ sung cho bức thư con đã gửi mẹ trước đây. Mẹ nhận tấm séc rồi, cũng đã dùng nó để thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Trong chuyến đi này, mẹ đột nhiên cảm thấy rằng nên cảm ơn con, cảm ơn con đã giúp mẹ hiểu thấu được mọi chuyện, có thể buông bỏ nhân tâm, khiến mẹ nhận ra tình thân quyến, tình bạn và tình yêu của con người trên thế gian này đều không phải là vĩnh cửu, chỉ như như bèo dạt mây mà trôi, tất cả đều đang thay đổi từng ngày.

Nếu ngày hôm nay mẹ không nghĩ thông suốt, vẫn còn ôm giữ bao nhiêu so đo, hờn giận, đau khổ thì có thể một vài năm nữa, mẹ có lẽ sẽ không sống nổi. Sự tuyệt tình của con khiến mẹ ngộ được chữ “duyên” nơi trần gian này, chẳng phải duyên hợp lại tan đó sao! Tất cả đều là vô thường! Mẹ cũng học được cách giữ tâm mình thanh tĩnh và ung dung tự tại. Mẹ đã không còn con cái nữa, tâm đã vô lo, nên mới có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà tâm không mảy may vướng bận.”
                                                                                   Vĩ thanh

Kể ra những câu chuyện này nhưng người viết không muốn đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về chữ Hiếu và những góc nhìn, chiều cạnh của nó trong giai đoạn hiện nay cả, vì đó quyền tư duy riêng của mỗi người.

Người phương Đông thường có quan niệm “nuôi con dưỡng già”. Bố mẹ sinh con ra, vất vả nuôi con trưởng thành để sau này con là chỗ dựa của cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng tốt đẹp mà thậm chí còn phũ phàng như câu chuyện của bà mẹ trên.

Không ca ngợi cách hành xử vô lương của người con, câu chuyện này chỉ muốn chuyển tải đi một thông điệp rằng: con cháu nếu có hiếu thảo, thì đó là phúc đức, còn nếu chúng không hiếu thảo, thì cũng không thể cưỡng cầu mà có được.

Thế nên mới có một câu nói thật chí lý rằng: “Tình thân cha mẹ - con cái không phải là dùng để chiếm hữu mãi mãi, mà là do duyên phận thâm sâu mà thành. Chúng ta không thể bỏ bê con trẻ khi chúng còn nhỏ và cũng không thể để chúng thấy áp lực vì cha mẹ khi trưởng thành.

Làm cha mẹ là để trái tim đi cùng lý trí. Không cầu con hoàn hảo, không cầu con phải thay cha mẹ tranh sĩ diện, lại càng không cầu con dưỡng già. Chỉ cần thân thể con khỏe mạnh, một lần cùng cha mẹ ngắm cảnh đẹp trên thế giới này, để ta có cơ hội đi cùng con một đoạn đường…”.
                                                                             Diệu Hương
http://baophapluat.vn/dan-sinh/o-hai-chieu-chu-hieu-465711.html
                                                       


6 nhận xét:

  1. Đa phần người Á Đông sống bằng nông nghiệp,khi cha mẹ già yếu con là chỗ dựa.Con cái cũng kế thừa ruộng đồng,nên hình thành truyền thống.van hóa đượm chất làng xóm.
    Ngày nay xã hội đang công nghiệp hóa và Âu hóa,con cái phải đi làm ăn xa,nên cũng khó tròn bổn phận
    Ở phương Tây các chương trình an sinh xã hội khá tốt,mọi người lại có bảo hiểm nên ít làm phiền đến con cái.
    VN tư tưởng Á Đong còn nặng và các thiết chế xh chưa thể thay con cái để chăm sóc bố mẹ.Mỗi gia đình lại lại tùy cảnh mà sống thôi.
    Cảm ơn chị,chúc chị vui khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi nơi mỗi khác em nhỉ?
      https://1.bp.blogspot.com/-QnEQf4A2aAo/XPjsHFjtwhI/AAAAAAAAK7E/8K3uz0m8VuUiqPItdCtgPJP-rhzWr6i6ACLcBGAs/s320/lh.gif

      Xóa
  2. Công ơn của cha mẹ không bao giờ con cái có thể trả hết được. Làm cha làm mẹ thời bây giờ cũng nên dạy con biết hiếu thảo với mình, phải cho con thấy và hiểu được sự hi sinh và tình thương yêu vô bờ bến của cha mẹ. Đừng để con vô tâm và ích kỉ.

    Em kính chúc Cô luôn vui khỏe ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em nói đúng lắm.
      https://2.bp.blogspot.com/-IBYXItIGWOE/XI0sCN6Ih0I/AAAAAAAAK0Y/WLf-k0jZF7EykLFUtXX_5hbfMczXCp11wCLcBGAs/s320/8.gif

      Xóa
  3. Hiếu thảo ngày nay có nghĩa rộng rồi, tùy mỗi gia đình thôi!
    :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo dục do gia đình là chính mà!
      https://2.bp.blogspot.com/-Rh6drUMLCnE/XI0r1CZPj4I/AAAAAAAAKyA/RGruHeuyQiwWOUolskf9UVffGRwZWkQqACLcBGAs/s320/12.gif

      Xóa

Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d @-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
Sau link ảnh, không gõ thêm bất cứ ký tự nào nữa.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ.