8 thg 12, 2017

‘Dạ thưa’ nghe đến mặn mà, vì sao nên cớ bay xa mất rồi…



Dịu dàng em nói dạ thưa
Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về
(Trích thơ “Dạ thưa” – Lê Minh Quốc)
Tiếng “dạ”, tiếng “thưa” từ lâu đã là một nét văn hóa rất đặc trưng và duyên dáng của người Việt Nam. Với đặc thù nhiều vùng miền với âm sắc giọng nói khác nhau, lên bổng xuống trầm khác nhau, tiếng dạ thưa mỗi vùng ở mảnh đất hình chữ S đều có mang một sắc thái thật dễ chịu và đẹp đẽ. Có vùng thì nghe sao thật trang nhã, thanh lịch, có vùng nghe đến ngọt lịm cả tâm can, có vùng lại chân thật, đáng yêu và mềm mại đi vào lòng người. Ở đâu, tiếng dạ, tiếng thưa cũng đã trở thành một thanh âm lịch thiệp mà gần gũi, ngọt ngào mà tiết chế không vồ vập.

Hai tiếng dạ thưa ấy có thể vẽ nên dáng vóc một cô gái ngoan hiền, thùy mị, lễ độ và nhẹ nhàng. Tất nhiên không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng cần nói dạ thưa để thể hiện sự kính trọng và lịch thiệp của người quân tử biết trọng lễ.

Chẳng phải tự nhiên mà trẻ em từ khi mới bi bô, đã phải học nói “dạ” khi mẹ gọi, lớn lên một chút thì phải biết “thưa bà con đi học”, “thưa bố con mới về”... Ra ngoài gặp người ngoài, được hỏi chuyện thì cũng phải dạ thưa ở đầu môi. Thiếu tiếng dạ, vâng, thưa gửi, thiếu cả danh xưng thì sẽ được gọi là nói trống không, là vô văn hóa, vô học.


Vẻ đẹp của một cô gái không chỉ từ vẻ ngoài hấp dẫn mà còn từ lời ăn tiếng nói duyên dáng, nhẹ nhàng (Ảnh: Unsplash).

Thế nhưng chẳng biết từ bao giờ, người ta đang dần thu gọn ngôn ngữ truyền thống đẹp đẽ, mở rộng ngôn ngữ hiện đại cộc lốc kỳ dị. Có người nói rằng “Lời nói là y phục của tư tưởng”, nếu ví von vậy thì ngày nay, y phục đó cũng như mốt thời trang ngắn ngủn, hở hang, phơi bày da thịt. Y phục từ đó cũng phơi bày tư tưởng ngắn ngủn, thiếu nội hàm.

Những người yêu nhau không gọi nhau anh, em mà gọi nhau vợ vợ, chồng chồng, nghe thật bình đẳng, ngang hàng phải lứa. Các cặp vợ chồng thì nói trống không, chẳng có tôn ti trật tự. Cái tôn, ti ở đây không phải chỉ là cao thấp, tỏ ý so sánh, phân chia, khinh thường người này, đề cao người kia. Mà là thể hiện những vị trí khác nhau sẽ tương ứng với đặc điểm, nhiệm vụ, chức phận khác nhau trong một gia đình.

Câu nói “Nam tôn nữ ti” bắt nguồn từ “Thiên Tôn Địa Ti” là để diễn tả ý nghĩa “Trời ở trên Đất ở dưới, Trời cao Đất thấp”, là một cách dùng, để miêu tả trạng thái tự nhiên, là điều tất yếu của tự nhiên. Cũng như hai mặt của một bàn tay, sao có thể nói cái nào quan trọng, cao sang hơn cái nào. Thiếu một trong hai thì đâu thành bàn tay. Trong gia đình cũng vậy, với đặc điểm của mỗi phái, thuận theo tự nhiên mà hành xử, đảm đương chức phận cho phù hợp. Âm không thể như dương mà dương cũng chẳng thể như âm. Người chồng tự cường, mạnh mẽ, chính trực. Người vợ bao dung, nhã nhặn khiêm hòa. Vợ chồng xưng hô cho đúng vai vế, thưa gửi, hành xử theo lễ, giữ cho nhau sự trân quý và kính trọng. Đầu tiên vẫn phải là từ ngôn ngữ giao tiếp.

Tôi có cô bạn lấy chồng hơn cô bốn tuổi, đang đi ăn cùng chúng tôi thì chồng cô ấy gọi điện. Nhìn hiển thị số điện thoại, biết chồng gọi, cô nhấc máy đáp chỏn lỏn “Gì đấy?”. Chắc anh chồng hỏi bao giờ thì về, cô trả lời rằng “chắc cũng phải sau 10 giờ…. rồi, thế nhé!” và cúp máy.

Tôi chợt nhớ tới hai bác mình, dù bằng tuổi nhau, lấy nhau do mai mối từ thời xưa, nhưng 40 năm qua rồi, tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ nghe thấy hai bác nói với nhau trống không một lần nào, kể cả những lúc tranh cãi, giận hờn. Bác trai khi bắt máy bác gái gọi thì sẽ nói “Ừ anh đây”, và kết thúc luôn là “Anh dập máy nhé!”, đôi khi không vội, bác sẽ nói “Em dập máy trước đi!” để bác gái đỡ cảm thấy hụt hẫng khi nghe tiếng cúp máy khô khốc từ đầu dây của mình.

Tiếng dạ thưa dịu dàng làm nên nét đẹp người phụ nữ (Ảnh: Unsplash).

Chỉ là lời ăn tiếng nói, nhưng nó cũng là thể hiện sự tôn trọng mối quan hệ, tôn trọng đối phương. Và khi ta cho người khác thấy được sự tôn trọng thì họ vô thức cũng sẽ tôn trọng lại ta. Tôn trọng lẫn nhau chính là nền tảng của mọi mối quan hệ, dù có thân thiết quấn quít, chia ngọt sẻ bùi như vợ chồng thì vẫn phải có giới hạn và sự kính nhường nhất định.

Hai từ thân thương “anh, em” vừa gần gũi vừa thể hiện cái tôn, cái ti của một chỉnh thể gia đình, là hai mặt của một bàn tay. Gia đình là lạp tử của xã hội, nếu ngay từ thành phần nhỏ bé nhất đó, mọi thứ đều hỗn độn không có trật tự, thì xã hội sao có thể không loạn. Người xưa nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nếu muốn làm việc đại sự như bình thiên hạ thì vẫn phải bắt nguồn từ việc tu dưỡng bản thân, duy trì gia đình nề nếp.

Tu thân ở đây chẳng phải là từ những điều nhỏ nhặt nhất, từ lời ăn tiếng nói, nếp đứng, nếp ngồi, rồi mới đến học hành mở mang đầu óc, từ bỏ thói hư tật xấu, làm việc tốt. Gia đình nề nếp chẳng phải gốc rễ vẫn là có trật tự, gia phong. Một núi không thể có hai hổ, một nước không thể có hai vua, một nhà cũng không thể có hai bầu trời mà chẳng ai chịu làm mặt đất.

Người xưa nói vậy không phải vì họ coi trọng địa vị mà bởi trong việc điều hành mọi cơ cấu, tổ chức, việc làm sao để có được nhiều ý kiến xuất sắc nhất không quan trọng bằng việc đồng lòng thực hiện theo một ý đã được đưa ra. Trong gia đình cũng vậy, ai cũng là trụ cột, người này muốn thế này, người kia lại muốn thế kia, tranh cãi, giằng co, cuối cùng lại chẳng làm được việc gì mà lại nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa. Nếu người vợ chỉ đảm đương việc nào đó, người chồng đảm đương những việc còn lại, không những không chồng chéo mất thời gian tranh luận mà lại càng làm tăng trách nhiệm và sự nỗ lực của mỗi người.

Và sự trật tự trong gia đình đó thể hiện ngay ở lời ăn tiếng nói với nhau. Anh gọi thì em dạ, em gọi thì anh thưa, thuận hòa như nước chảy, phong thủy của gia đình chính là ở đây chứ đâu.

Vợ chồng cần chi khách sáo! Đó là lý lẽ của nhiều bạn trẻ sau một thời gian yêu nhau anh em ngọt xớt đến khi lấy nhau lại mày tao chí tớ, nghe cho có vẻ bình đẳng và không câu nệ, không khoảng cách.

Hai đứa bạn tôi học chung từ hồi cấp 3 lấy nhau, hồi mới “cưa cẩm” thì kêu nhau “tớ, ấy”, khi lấy nhau về không quen, cho rằng bằng tuổi thì sao phải gọi “anh, em”, như thế “hóa ra tao ít tuổi hơn nó à?” – cô bạn tôi giải thích. Lúc đầu họ gọi nhau bằng tên như bạn bè, vợ chồng trẻ nào thì cũng có lúc cãi vã, những lúc như thế gọi tên nhau e rằng không thể hiện được hết cái uất ức, nộ khí đang ngùn ngụt nên họ gọi nhau là “mày, tao”. Sau thành không ai chịu ai, cứ xưng mày tao vậy cho đến khi sinh con và tất nhiên, chẳng có tiếng “vâng ạ, dạ, thưa” nào vang lên trong ngôi nhà của họ.

Vợ chồng nói năng có lễ nghĩa với nhau chính là phong thủy của gia đình. Ảnh: Unsplash

Tôi không thể tưởng tượng được, đứa trẻ bé bỏng ngây thơ đó từ khi sinh ra đã thấy bố mẹ nói chuyện với nhau như vậy thì có hiểu được sự ngọt ngào, thân thương của những từ tiếng Việt hết sức phổ thông một thời. Chỉ thấy đến khi biết nói và đi học, bé toàn gọi các bạn ở trường là “mày”, xưng “tao”. Nói chuyện với ông bà cũng toàn theo cái kiểu “nước, khát quá, cho cốc nước đi!”, hay khi được hỏi thì trả lời “ăn rồi”, “đến trường vui!”…

Có người cho rằng, chẳng quan trọng gì cái cách vợ chồng nói với nhau, miễn là chân thành. Nhưng chẳng phải sự chân thành phải được bảy tỏ ra bằng sự tôn trọng hay sao, nếu không nó cũng chỉ là biểu hiện của lòng ích kỷ. “Tôi yêu cô, tôi giữ trong lòng là được rồi, hàng ngày đi làm kiếm tiền, mua quà mua đồ về cho vợ con, sao phải khách khí”. Thế nhưng đó là anh mới chỉ nghĩ từ phía của mình, dựa trên mong mỏi và cảm xúc của mình, đâu có nghĩ cho người vợ đâu.

Có thể vợ cũng chẳng cần, nhưng trách nhiệm của chúng ta đều phải là biểu hiện cho người khác thấy sự tôn trọng, đó là văn hóa tối thiểu. Không thể phủ nhận rằng, nhìn bề ngoài, cách xưng hô “mày – tao”,“tôi – cô” hay nói trống không là dấu hiệu của một mối quan hệ đã xuống cấp. Người ta dễ dàng đánh giá như vậy mà chẳng cần biết nội tình gia đình bạn ra sao. Bạn thử nghĩ mà xem, kể cả những gã đàn ông nói năng với vợ thô bỉ nhất, những cô vợ chua ngoa nhất, khi đi với “bồ” bao giờ cũng “anh anh em em” ngọt như mía lùi là gì.

Không chỉ giữa những người thân với nhau, chúng ta đang dần bỏ đi những lời mà bản thân cho là khách khí, rườm rà. Ngoài xã hội, khi gặp người không quen biết, đáng lẽ cái sự lịch sự, khách khí nó phải cao hơn với người nhà. Thế nhưng không ít lần tôi chứng kiến người ta vào cửa hàng mua đồ mà nói với nhân viên kiểu như “(cái) này giá bao nhiêu?”, “Có cỡ to hơn không?”, “Còn rau thơm không?”... Không những khách hàng vênh vang, chao chát vì nghĩ mình ở vị thế là “Thượng đế”, mà người bán hàng cũng không kém phần: “Không mua thì đừng có bới lên thế!”, “Nhà này chỉ có hàng thế thôi, không thích thì đi chỗ khác”... Người ta đối với nhau cứ như có thù hằn, hiềm khích gì từ bao đời. Thật kỳ lạ!

Chẳng cần có công trình khoa học nào nghiên cứu và làm rõ, chúng ta cũng biết tác động của lời nói tới tâm trạng, cảm nhận của người nghe. Thậm chí trong ngoại giao, thương lượng, thuyết trình thì nó có thể đóng một vai trò sống còn. Bởi lời nói là y phục của tư tưởng, nó cho người khác nhìn thấu bạn, cảm nhận về bạn và ra quyết định xem có nên tin tưởng và tôn trọng bạn hay không.

Giống như câu chuyện cổ tích của Perrault về hai chị em xinh đẹp. Cô chị tốt bụng, hảo tâm nên bà Tiên ban cho phép màu, mỗi lần mở miệng nói chuyện thì sẽ nở hoa, phun ngọc. Cô em thiếu lễ độ nên mỗi khi mở miệng thì sẽ nhả ra rắn và cóc. Đến người mẹ của hai cô gái còn không thể ở bên cô em vì không chịu nổi rắn rết, cóc nhái do cô em nhả ra. Thế thì bạn, bạn có muốn ở cạnh một người ăn nói cộc cằn, chỏn lọn, ác mồm ác miệng hay không? Bạn không thể, thì người khác cũng không thể ở bên nếu bạn cũng giống như vậy.

Thuần Dương
http://www.dkn.tv/van-hoa/da-thua-nghe-den-man-ma-vi-sao-nen-co-bay-xa-mat-roi.html


2 nhận xét:

  1. Vâng, thực tế đúng là đáng buồn thật ạ. Nhất là trẻ ở miền Nam rất ít khi nói " Dạ" ở đầu câu, toàn nói trống không, cụt ngủn. Cách nói "dạ thưa" người lớn phải làm gương cho trẻ mới được.

    Em kính chúc Cô tuần mới an vui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là " người lớn phải làm gương cho trẻ" :)

      https://2.bp.blogspot.com/-AOw95HQYSFY/V--2FGsgkvI/AAAAAAAAJDM/lbeCASxDYUgLr7guCBvWw_LmL0K_W1F3QCLcB/s400/4.gif

      Xóa

Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d @-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
Sau link ảnh, không gõ thêm bất cứ ký tự nào nữa.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ.