Từ ngày ông Cho nhặt được bọc tiền gói trong túi nylon mang lên giao cho
công an, ai cũng bảo ông dại. Còn ông lão làm nghề nhặt rác này lại thấy mừng
vì số tiền kia đã về với chủ.
Không kể nắng mưa, ngày nào ông Trần Văn Cho, tổ 28 phường Thuận Phước (Hải
Châu, TP Đà Nẵng) cũng đi lượm rác từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.Một buổi chiều tháng 10, đang đi trên đường Lê Đình Lý, thấy bọc nylon, nhặt lên phát hiện bên trong có tiền, ông Cho chẳng mở ra xem mà đem thẳng đến công an phường Nam Dương, quận Hải Châu, nhờ trả lại cho người mất. Về nhà ông im lặng không kể cho ai, kể cả mẹ và em gái.
Đến khi có người đọc được mẩu tin ngắn trên báo viết về việc làm của ông Cho, người dân mới xì xào bàn tán. Nhiều người bình phẩmvà em gái hỏi, ông chỉ cười bảo: “Người ta mất của tội lắm, mình sao có thể sống bằng số tiền đó”.
Bà Trần Thị Liên, em gái ông Cho kể lại: “10 hôm sau kể từ ngày anh Cho nhặt được tiền, anh mang về 1,5 triệu cùng 10 kg gạo, dầu ăn… Hỏi thì anh bảo người bị mất tiền hôm trước sau khi nhận lại tiền tình cờ gặp anh đi lượm rác ngoài đường, họ đã biếu. Nhà tôi ai cũng vui”.
Bước sang tuổi 61, ông Cho thường xuyên đau ốm. Ông kể, nhà quá nghèo nên thời trai trẻ ông không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì sợ sẽ không lo được hạnh phúc cho vợ con. Đến khi đã lớn tuổi, cái nghèo vẫn đeo bám mãi, ông Cho đành ở vậy.
Một lần đang đạp xe thồ chở hàng cho khách, ông Cho bị tai nạn giao thông phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Khi chụp X-quang, các bác sĩ mới phát hiện trong đầu ông còn nhiều mảnh đạn nhỏ. “Năm 1968 tôi bị bắt đi lính Việt Nam Cộng hòa, rồi bị thương trong một trận chiến nhưng ngày đó chỉ được băng bó tạm thời nên giờ tuổi cao, sức yếu chân tay thường xuyên bị bủn rủn. Các bác sĩ bảo nếu không chữa trị kịp thời tôi sẽ bị liệt nhưng vì nhà không có tiền nên đành chịu vậy”, ông Cho kể.
Sau tai nạn, không đủ sức đạp xe thồ, ông Cho sống bằng nghề nhặt rác. Hằng ngày, ông lặng lẽ cùng những vòng xe dạo khắp các ngõ hẻm nhặt rác kiếm 40-50 chục nghìn. Và mỗi ngày, ông lại chọn một niềm vui trong cuộc sống như giúp đỡ em bé đi qua đường, chở một cụ già đi trên đường không lấy tiền công, hay như chuyện trả lại cả cục tiền vô tình lượm được…
Nói về việc làm của mình, ông Cho chỉ cười giản dị: “Việc làm của tôi cũng không có gì to tác đâu. Khi mất của thì ai chẳng thấy xót, muốn tìm lại cho kỳ được. Bởi thế khi nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là việc nên làm".
Nguyễn Đông
Trung thực từ điều nhỏ nhất
Hôm qua, tôi đi ăn KFC với một anh bạn. Lúc tính tiền, anh ấy đưa cho nhân viên phục vụ 200 nghìn.
Cô nhân viên bảo anh đưa thêm 4 nghìn nữa để thanh toán cho dễ vì suất ăn là 104 nghìn/ 2 người. Một lát sau, cô nhân viên đi ra đưa hóa đơn thanh toán là 104 nghìn, tuyệt nhiên không có phần tiền thối lại kẹp trong menu như mọi khi. Anh bạn tôi bực bội, gọi bà chủ ra nói thì cô nhân viên bảo mình quên chưa đưa. Lý do đó đâu dễ thuyết phục, làm sao có thể quên tiền của khách mới chỉ trong một phút? Lý giải cho hành động này chỉ có 2 từ: Lòng tham. Nếu anh bạn tôi có ý boa cho cô nhân viên, thì cô ấy cũng phải mang tiền trả cho khách đàng hoàng.
Lần khác, có đứa bạn hí hửng khoe với tôi: “Hôm nay tao vừa nhặt được một cái bóp, trong bóp toàn tiền đô la thôi mày”. Tôi hỏi nó: Vậy mày có trả lại cho người bị mất không? Nó quát lên: “Mày điên hả? Thời đại nào rồi còn trả, nhặt được của rơi tạm thời đút túi, không biết à!”. Và nó tỉnh bơ đút túi thật.
Có một câu chuyện tôi đọc được trên Internet, đại loại thế này:
“Cậu con trai có người mẹ đang bị bệnh nặng nằm trên. Một lần, trên đường đi lấy thuốc, cậu tình cờ nhặt được túi tiền của ai đó đánh rơi. Vì nhà nghèo, lại cần số tiền lớn mới có thể cứu sống mẹ, cậu quyết định mang số tiền đó lo thuốc thang chạy chữa để mẹ mau lành bệnh. Dù mẹ đã dặn dò từ khi cậu còn bé, rằng “nhặt được của rơi phải mang trả người đánh mất”, nhưng vì chữ hiếu cậu đành làm trái lời mẹ dạy. May mắn, mẹ cậu đã bình phục trở lại. Khi mẹ hỏi “ Con lấy đâu số tiền lớn lo thuốc cho mẹ”, cậu trả lời thật thà về túi tiền mình nhặt được trên đường. Mẹ cậu đau buồn nói: “ Nếu túi tiền đó của một người mẹ dành dụm, chắt bóp lo cho con bị bệnh phải chạy chữa kịp thời thì con có đành lòng lấy nó không? Sống cho sạch, rách cho thơm, dù mẹ có chết cũng không muốn con làm như vậy”.
Câu chuyện trên thu hút rất nhiều ý kiến bình luận khác nhau, bởi trong hoàn cảnh đó, không thể nói anh chàng này làm đúng hay sai, vì tùy thuộc vào cách xử lý của mỗi người. Tuy nhiên, ở đời phàm cái gì không phải của mình mà mình cố lấy thì mãi mãi nó cũng không thuộc về mình. Dẫu mình có được nó thì trước sau gì mình cũng phải trả giá bằng cái khác. Có khi, cái giá mình phải trả còn cao gấp bội phần thứ mình đã lấy đi, đó là qui luật muôn đời của cuộc sống.
Một xã hội thiếu sự trung thực sẽ dẫn đến việc làm bằng giả, con dấu giả, hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, căn bệnh thành tích, đạo văn, đạo nhạc…phổ biến diễn ra nhan nhản như hiện nay. Nếu ai cũng dối trá, lừa lọc nhau thìđương nhiên nhân cách đạo đức ngày càng bị xuống cấp, suy đồi.
Không có chuẩn mực nào bắt mọi thứ phải như thế này, như thế kia, nhưng cũng không có một chuẩn mực nào đo được sự tốt đẹp của con người hơn giá trị đạo đức, trong đó trung thực là một phẩm chất rất cần cho xã hội phát triển, tiến bộ. Và để làm được điều đó cần phải thể hiện sự ngay thẳng, thật thà từ những hành động nhỏ nhất, từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường và bằng cả sự cố gắng của bản thân.
Phạm Thị Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể copy link hình (link trực tiếp) và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ *